Người miền Bắc rất coi trọng lễ nghi nên hiểu thủ tục trong đám cưới bao gồm những bước trình tự nào? cần chuẩn bị những gì? là kiến thức cần có của các cặp đôi để có một lễ cưới trọn vẹn.

 

Người Việt Nam chúng ta rất coi trọng lễ nghi và đặc biệt người miền Bắc lại càng đặt nặng vấn đề này. Thế nên hiểu các thủ tục cưới hỏi là một điều hết sức quan trọng để đôi uyên ương đến với nhau thật suôn sẻ. Đám cưới hiện nay việc tổ chức cũng rút gọn, hạn chế những phong tục, tục lệ rườm rà nhưng cơ bản vẫn phải có các trình tự lễ sau: lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ cưới.

1. Lễ dạm ngõ (lễ xem mặt, lễ chạm ngõ):

lễ dạm ngõ
Lễ dạm ngõ là một nghi lễ trong phong tục hôn nhân không chỉ của người miền Bắc mà còn cả chung của người Việt. Lễ này nhằm chính thức hóa quan hệ hôn nhân của hai gia đình.
Lễ chạm ngõ ngày nay là buổi gặp gỡ giữa hai gia đình. Nhà trai xin đến nhà gái đặt vấn đề chính thức cho đôi nam nữ được tìm hiểu nhau một cách kỹ càng hơn trước khi đi đến quyết định hôn nhân.
Buổi lễ này, không cần vai trò hẹn trước của người mối (kể cả những trường hợp yêu nhau nhờ mai mối), không cần lễ vật rườm rà. Về bản chất, lễ này chỉ là một ứng xử văn hóa, thông qua đó hai gia đình biết cụ thể về nhau hơn (về gia cảnh, gia phong), từ đó dẫn tới quyết định tiếp tục hay không quan hệ hôn nhân của hai gia đình. Lễ vật của lễ chạm ngõ rất đơn giản chỉ bao gồm trầu cau, chè, thuốc lá và bánh kẹo( lưu ý là số lượng phải chẵn). Số lượng người nhà trai sang nhà gái cũng vừa phải, khoảng 4 đến 5 người. Lễ vật của nhà trai mang sang nhà gái sẽ nhận và được dâng lên bàn thờ để thắp hương tổ tiên chứng nhận sự gặp gỡ của 2 họ. Phía nhà gái cũng chỉ tiếp đón đơn giản, trên bàn nói chuyện thì có chè, thuốc và 1 vài đĩa bánh trái sau đó làm 1 vài mâm cơm nho nhỏ để sau khi nói chuyện 2 bên gia đình ngồi ăn uống để gần gũi nhau hơn. Tại ngày này thông thường nếu nhà gái đã đồng ý thì sẽ bàn bạc ngày, giờ cũng như các vấn đề về ngày ăn hỏi và ngày cưới.

2. Lễ ăn hỏi (lễ đính hôn):

Lễ ăn hỏi ở miền Bắc diễn ra như thế nào?
Lễ ăn hỏi là một nghi thức trong phong tục hôn nhân truyền thống của người miền Bắc. Đây là sự thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai họ. Đây là giai đoạn quan trọng trong quan hệ hôn nhân: cô gái trở thành “vợ sắp cưới” của chàng trai, và chàng trai sau khi mang lễ vật đến nhà gái là đã chính thức xin được nhận làm rể của nhà gái và tập gọi bố mẹ xưng con.
Trong lễ ăn hỏi, nhà trai mang lễ vật tới nhà gái. Nhà gái nhận lễ ăn hỏi tức là chính danh công nhận sự gả con gái cho nhà trai, và kể từ ngày ăn hỏi, đôi trai gái có thể coi là đôi vợ chồng chưa cưới, chỉ còn chờ ngày cưới để công bố với hai họ.
Trong ngày lễ ăn hỏi thì các thủ tục ăn hỏi, xin cưới và nạp tài sẽ được gộp luôn trong một buổi.
– Tráp ăn hỏi sẽ là 5,7, 9 hoặc 11 tráp tùy thuộc vào mỗi gia đình nhưng phải là số lẻ. Bên nhà trai sẽ có số lượng người nam bê tráp tương ứng với số tráp, số lượng nhà gái cũng tương ứng các cô gái nhận tráp, những người bê tráp phải là những người chưa kết hôn. Đồng thời khi cùng nhau trao tráp thì các cặp nam nữ cũng trao nhau những bao lì xì màu đỏ đã được nhét sẵn tiền.
Đồ lễ ăn hỏi có rất nhiều các lễ vật nhưng không được thiếu các các vật phẩm như: cau, trầu, chè, rượu, thuốc lá, bánh cốm, bánh dẻo, bánh nướng, bánh xu xê… gia đình nào có điều kiện có thêm lợn quay, gạo…
– Lễ vật của nhà trai sẽ phải có thêm phong bì tiền (hay còn gọi là lễ đen, lễ nạp tài) để như cảm ơn công nuôi dưỡng sinh thành cô dâu của phía bên nhà chú rể đối với nhà gái.
– Nhà gái nhận lễ rồi đặt một phần lên bàn thờ gia tiên. Khi lễ ăn hỏi xong mỗi thứ trong tráp được nhà gái “lại quả” (chuyển lại) cho nhà trai một ít, còn nhà gái dùng để chia ra đĩa mời tất cả mọi người đến dự. Đồng thời lúc này cô dâu và chú rể sẽ ra mắt họ hàng hai bên và sau đó đi rót nước, mời thuốc, mời trầu các vị quan khách.

3. Lễ cưới:


Ngày cưới sẽ được diễn ra vào ngày lành tháng tốt mà hai bên gia đình đã ấn định từ trước. Phần này mỗi nơi phong tục mỗi khác nhưng cơ bản sẽ có những lễ nghi sau:
– Lễ rước dâu (dẫn dâu, xin dâu):  Giờ đi đón dâu thì phải tuân thủ “đi hơn về kém” tức là khi bắt đầu đi phải đi giờ hơn, lúc bắt đầu bước chân từ nhà gái về phải là giờ kém. Đoàn rước dâu của nhà trai đi thành một đoàn, có người đại diện họ nhà trai đi trước, cùng với người mang lễ vật. Đại diện nhà trai sẽ phát biểu và trao lễ vật sau đó xin phép cho chú rể vào phòng đón cô dâu ra khỏi phòng. Trước tiên là 2 người ra thắp hương tổ tiên sau đó ra ngồi ngoài hội trường lễ Vu Quy ở bàn đã được kê sẵn quay mặt xuống phía dưới. Cô dâu chú rể nhận quà mừng, lời chúc từ cha mẹ, họ hàng (nhà gái). Sau đó là cả đoàn rời nhà gái, để đưa dâu về nhà chồng.
– Rước dâu vào nhà: Theo phong tục tập quán là “cha đưa mẹ đón” tức cha đưa con gái đến nhà trai và mẹ chồng sẽ đón con dâu. Khi đoàn đưa dâu về đến ngõ mẹ chồng dắt cô dâu vào nhà, làm lễ ra mắt trước bàn thờ tổ tiên bên nhà trai.
Sau đó chú rể sẽ dắt cô dâu ra hôn trường tổ chức lễ cưới, trong lễ cưới chính tại nhà trai chú rể sẽ trao nhẫn cưới cho cô dâu để chính thức se duyên vợ chồng.
– Tiệc cưới: Tiệc cưới có thể tổ chức trước hoặc sau hôn lễ hoặc từ hôm trước tùy từng nơi
– Lễ lại mặt: sau lễ cưới 1 vài ngày, hai vợ chồng trẻ sẽ trở về nhà cha mẹ vợ mang theo lễ vật để tạ cha mẹ, tổ tiên, cha mẹ vợ cũng làm cơm để mời chàng rể và con gái mình. Thông thường, các cô dâu mới về nhà chồng sẽ cảm thấy buồn vì phải xa nhà, xa cha mẹ nên trong phong tục cưới truyền thống có thêm ngày lại mặt, chính là dịp để cô dâu gặp lại gia đình, để bớt đi nỗi nhớ nhung. Ngoài ra, lễ lại mặt còn là dịp để chú rể gần gũi, thân thiết hơn với gia đình, vì đây là thời điểm chính thức làm rể đầu tiên sau đám cưới, tân lang về chào bố mẹ vợ với cương vị là con rể sau khi hôn lễ kết thúc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

message zalo
0901.135.353
zalo logo
messenger logo